Chăm sóc đôi chân khi mang các loại giày

Bàn chân con người sinh ra không phải để đem bó buộc trong những đôi giày. Đó có phải là cái giá của sắc đẹp? Chúng đem lại những cơn đau cho ngón chân, bàn chân cho đến những cơn đau trên cột sống. Nhưng chúng ta lại không thể sống mà thiếu chúng. Có một vài cách để kiểm soát những cơn đau mà đôi giày mang lại cho bạn.

Giày cao gót

Giày cao gót đẹp

Các chuyên gia y tế gọi đôi giày cao gót là “cái giá đắt ” cho sắc đẹp. Phải công nhận một điều đôi giày cao gót làm tôn dáng cho người phụ nữ, khiến họ trở nên quyến rũ hơn, đẹp hơn. Nhưng đôi giày cũng để lại những tác hại không nhỏ cho sức khỏe của đôi chân.

Không ít lần, các bác sĩ đã phải nghe những lời than phiền về đôi chân của người bệnh. Họ cảm thấy “đau mỏi” và cần được chữa trị gấp. Tuy nhiên, đa phần những cơn đau đó đã xuất hiện từ lâu nhưng đến khi không thể chịu được nữa, họ mới đến bệnh viện kiểm tra. Tìm hiểu nguyên nhân, các bác sĩ phát hiện ra rằng, nguyên nhân gây bệnh lớn chính là những đôi giày cao gót đẹp đẽ đó.

Trước hết nói về chiếc gót giày. Tiến sĩ Helen Crawford của Trung tâm điều trị các bệnh về xương (Mỹ) cho biết, chiếc gót giày cao và nhọn hoắt khiến cho các phần của bàn chân bị kéo căng về những hướng khác nhau. Và mắt cá chân phải chịu đựng tất cả sự kéo căng đó cũng như toàn bộ trọng lực của cơ thể dồn vào trung tâm của mắt cá.

Sự kéo căng đó tạo nên những áp lực không giống tự nhiên. Điều này dẫn đến sự xuất hiện của những cục chai, những cơn đau ở nửa bàn chân trước và bệnh sẹo xương. Nặng nề hơn là ảnh hưởng đến cột sống.

Tuy nhiên, để giảm độ cao của chiếc gót giày, bạn không thể làm ngay tắp lự. Trong một thời gian dài, các cơ bàn chân, cẳng chân, cơ đùi đã quen với chiếc gót cao nên chúng cần một khoảng thời gian để làm quen với những độ cao thấp hơn. Bạn nên giảm từ từ độ cao của giày. Ví dụ từ 10 phân xuống 7 rồi 5 rồi 3 phân. Cách giảm này sẽ không ảnh hưởng đến các vùng cơ kể trên.

Chiếc mũi giày cao gót cũng để lại những tác hại không kém. Mũi giày nhọn khiến cho những ngón chân phải “chen chúc” trong một không gian chật hẹp. Viện Trung y Nam Kinh đã từng tiếp nhận một bệnh nhân nữ với ngón chân cái quặp hẳn vào bên trong.

Bệnh nhân cho biết, chị thường xuyên đi giày cao gót, thường là 10 phân trong 15 năm. Vài năm trước, ngón chân cái của chị rất đau nhưng do ngại nên không đi khám. Khám trực tiếp, ngón chân cái của chị quặp hẳn vào ngón bên cạnh. Trên ngón út xuất hiện vết chai. Trên phim Xquang, xương ngón chân cái bị vẹo. Nguyên do là bị bó buộc trong không gian hẹp quá lâu. Bệnh nhân phải trải qua một cuộc tiểu phẫu để sắp xếp lại xương ngón chân.

Và sau đó, chị buộc phải đi những đôi giày rộng hơn, êm hơn để đảm bảo căn bệnh không tái phát. Bác sĩ Chương, Viện Trung y Nam Kinh giải thích, khi bạn di chuyển, bàn chân di chuyển theo và những ngón chân đưa sâu hơn vào trong mũi giày.

Trong không gian bó buộc, ngón chân cái có xu hướng quặp hẳn vào trong thay vì nằm đúng vị trí. Ở giai đoạn sớm, người bệnh phải tập những bài tập trị liệu để đưa ngón chân về vị trí cũ. Nhưng ở giai đoạn muộn như bệnh nhân kể trên, họ cần phải phẫu thuật để đưa ngón chân về đúng vị trí.

Tuy nhiên, không phải vì chiếc giày cao gót gây hại cho sức khỏe mà bạn từ bỏ hẳn nó. Hãy giảm bớt độ cao của giày và bạn vẫn có thể có vẻ quyến rũ như bạn mong muốn. Trong trường hợp vẫn thường xuyên sử dụng giày cao gót, hãy cố gắng để thư giãn đôi chân khi có dịp.

Ngoài ra, bạn có thể tập bằng cách đứng trên một chân trong vài phút mỗi ngày. Vào các buổi sáng hoặc tối, bạn cũng có thể tập bài tập: hay tay chống vào tường, một chân làm tựa phía trước, chân kia duỗi thẳng hết sức ra phía sau. Hoặc khi ngồi trên ghế, bạn cũng có thể tháo giày, duỗi thẳng chân, kéo căng phần cơ bắp chân một cách từ từ rồi thả lỏng để phần cơ được thư giãn.

Giày trệt

Giày trệt đẹp

Nhiều người cho rằng giày đế bằng hay giày trệt là lựa chọn tối ưu cho đôi chân. Không cao gót thì không có vấn đề gì. Tất nhiên, chúng dễ dàng hơn rất nhiều cho những chuyến lang thang shopping. Nhưng, đến khi chúng bắt đầu có xu hướng rộng ra, mọi việc không như bạn nghĩ. Và khi đó, giày đế bằng không phải là lựa chọn tối ưu cho đôi chân.

Tiến sĩ Helen giải thích, giày trệt hay còn gọi là giày balê gây ảnh hưởng đến chân không nhỏ. Chiếc đế bằng phẳng và vùng da bao quanh giày khiến chân bị đau và có những cơn nhói nhói vùng mũi chân và gót chân. Hơn nữa, những đôi giày này thường không có quai đeo.

Để giữ giày, bàn chân dùng các ngón chân và vùng cơ phía gót để giữ chặt giày. Lực giữ này càng tăng khi giày càng rộng. Và khi đó, vùng gót chân, ngón chân út thường xuyên hiện những vết phồng rộp hoặc bị bong gân vùng mắt cá chân. Ngoài ra, các cơ bàn chân phải làm việc vất vả hơn trong cả ngày khiến cho chân thường xuyên bị chuột rút.

Tiến sĩ Helen khuyên rằng, cũng giống như giày cao gót, bạn nên chọn những đôi giày trệt mũi rộng hơn để tạo không gian “rộng rãi” hơn cho những ngón chân. Hơn nữa, những đôi giày trệt cũng nên có quai đeo để cho các cơ của bàn chân được thư giãn đôi chút dù những chiếc quai đeo này không tiện lợi cho việc tháo giày.

Sandal

Giày sandal đẹp

Đôi khi, sandal được chị em lựa chọn thay thế cho những đôi giày trong việc tạo dáng, là vào những ngày hè oi nóng. Tuy nhiên, nghiên cứu của tiến sĩ Helen cho thấy, việc để bàn chân phơi trần quá nhiều ảnh hưởng đến da chân hay nhiễm trùng móng chân…

Việc phơi bàn chân dưới tác động của gió, của ánh sáng khiến cho da khô hơn. Tác động tồi tệ là tác động đến gót chân, khiến chúng trở nên xù xì, thô ráp. Tất nhiên, những loại kem dưỡng gót chân có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này nhưng tốt là sử dụng các loại sandal có bao phần gót để bảo vệ gót chân.

Đôi sandal cùng làm tăng nguy cơ bị những chấn thương không đáng có. Không có gì bảo vệ, đôi chân rất dễ bị những “vật lạ” tấn công. Đôi khi do sơ ý, bạn hoặc những người xung quanh có thể bất ngờ làm rớt đồ đạc vào chân. Hay khi đi lại, bạn không để ý và khiến ngón chân bị vấp vào bàn… Khi đó, có thể ngón chân chỉ bị đau nhưng cũng có thể khiến móng chân bị bật ra và chảy máu.

Cũng có khi, chỉ do đi lại nhiều với sandal, bạn bị vi khuẩn xâm nhập vào các kẽ chân. Nếu không vệ sinh thường xuyên và đúng cách, những vi khuẩn này phát triển nhanh chóng và làm cho móng chân của bạn bị nhiễm trùng…

Giày bịt mũi

Giày bịt mũi

Những đôi giày bịt mũi này cũng đem lại những rắc rối cho đôi chân hơn những kiểu giày khác. Những cơn đau do chúng đem lại cũng gây khó chịu cho thân chủ. Tiến sĩ Helen cho biết, đôi khi, chị em thường mua giày nhỏ hơn một cỡ so với chân mình để có cảm giác đôi giày vừa vặn hơn và vẫn tiếp tục sử dụng được khi giày bị rộng ra.

Khi đó, đôi chân bị bó buộc, máu không lưu thông được nhiều khiến chân bị mỏi nhanh hơn, gót chân đau và xước nhiều hơn. Các ngón chân bị bó buộc nhiều hơn. Còn khi giày đã rộng ra, những cơn đau lại giống như đôi giày cao gót mà bạn thường mang. Các cơn đau mỏi, những khối chai chân và có khi là những ảnh hưởng đến cột sống.

Lời khuyên mà tiến sĩ Helen dành cho bạn là, hãy chọn cho mình những đôi giày vừa vặn, thích hợp cho từng tình huống bạn cần. Khi mua giày, hãy đi thử đôi giày trong vài phút để cảm nhận những tác động của gót giày, vùng da bao quanh giày, mũi giày đến đôi chân… Ngoài ra, bạn cũng nên tích trữ những sản phẩm chăm sóc da chân tại nhà để mỗi khi chân mệt, bạn có thể để chân được thư giãn.

Trân trọng!
Các bài viết liên quan: Tô điểm chân xinhDưỡng đôi chân xinh